Giảm nghèo ở huyện Thuận Bắc của Ninh Thuận có kết quả đáng mừng nhờ nông dân có nghề, có việc làm

Đăng ngày 12 - 12 - 2023
Lượt xem: 156
100%

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đang được huyện Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận) triển khai đồng loạt tại 31 thôn của 6 xã trên địa bàn huyện. Việc này đã tạo ra cơ hội và môi trường làm việc mới, giúp lao động nông thôn nơi đây có việc làm ổn định để nâng cao thu nhập, thoát nghèo hiệu quả.

 

          Một ngày đầu tháng 12/2023, PV Dân Việt có dịp trở lại huyện Thuận Bắc ở Ninh Thuận. Đây là một trong ba huyện khó khăn nhất của tỉnh Ninh Thuận với hơn 60% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó có 3 xã Phước Kháng, Phước Chiến và Bắc Sơn là 3 địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn.

          Đào tạo nghề giúp giảm nghèo bền vững ở Thuận Bắc

          Từ TP. Phan Rang – Tháp Chàm, chúng tôi di chuyển về hướng Bắc theo Quốc lộ 1 khoảng 20km để đến trung tâm huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Hạ tầng giao thông khang trang tại trung tâm huyện Thuận Bắc.

          Đến đây, chúng tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt của huyện nông thôn miền núi đang chuyển mình. Khắp đường làng ngõ xóm là các công trình điện, đường, trường, trạm và cơ sở thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang.

          Theo UBND huyện Thuận Bắc, nhờ các nguồn vốn hỗ trợ mà diện mạo nông thôn mới của huyện đã ngày càng khởi sắc. Trong tương lai, địa phương phấn đầu trở thanh trung tâm công nghiệp của tỉnh Ninh Thuận với trọng tâm là khu công nghiệp Du Long.

           Hiện, địa phương này đã và đang đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn để cung ứng nhân lực cho các nhà máy trên địa bàn. Việc này vừa đảm bảo cơ cấu lao động ngành công nghiệp và nông nghiệp ở địa phương phát triển hài hòa đúng định hướng, vừa giúp người dân có cơ hội việc làm mới để nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Lớp đào tạo nghề may cho lao động nông thôn ở huyện Thuận Bắc. Ảnh: Đức Cường

          Là một trong những người đầu tiên được đào tạo nghề may công nghiệp ở địa phương, chị Patâu Axá Thị Taxi (dân tộc Raglai, ở thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận) giờ đã có công việc ổn định tại khu công nghiệp Du Long.

          Chị Taxi cho biết, trước đây chỉ biết làm nông nhưng cũng làm theo thời vụ nên kinh tế rất khó khăn.

         Năm 2022, chị tham gia lớp đào tạo nghề may công nghiệp do địa phương tổ chức. Sau 3 tháng học nghề, chị Taxi được doanh nghiệp tư nhân ký hợp đồng lao động nghề may tại khu công nghiệp Du Long. Mỗi tháng, chị Patâu Axá Thị Taxi có việc làm ổn định với thu nhập 5 – 7 triệu đồng/tháng, nhờ đó kinh tế gia đình ngày càng đi lên để thoát hộ nghèo.

         "Chồng ở nhà làm nông thôi, còn tôi đi làm công ty ổn định hơn rất nhiều, nhờ đó mà tháng nào cũng có lương ổn định, chất lượng cuộc sống gia đình cũng vì thế khá giải hơn trước…", chị Taxi cho hay.

           Cũng như chị Taxi, chị Chamaléa Thị Dai ở thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc là công nhân may ở khu công nghiệp Du Long gần 1 năm nay.

Chị Chamaléa Thị Dai đang làm công cho công ty may ở khu công nghiệp Du Long. Ảnh: Đức Cường

           Chị Dai cho hay, được chính quyền địa phương vận động nên chị mạnh dạn tham gia học nghề và được nhận vào làm công nhân may với thu nhập mỗi tháng hơn 5 triệu đồng.

         "Ngoài công việc và thu nhập ổn định thì đi làm ở công ty còn có bảo hiểm xã hội, lại được ở gần gia đình nên tôi rất phấn khởi, cố gắng làm để thoát nghèo…", chị Dai cho hay.

          Theo ông Trần Minh Trực – Phó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thuận Bắc, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang được huyện Thuận Bắc triển khai đồng loạt. Mới nhất, 2 lớp đào tạo nghề may được tổ chức tại thôn Bà Râu 2, xã Lợi Hải đã có đến 40 lao động tham gia.

Lao động được đào tạo nghề chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai ở địa phương. Ảnh: Đức Cường

 

          "Việc đào tạo chú trọng vào phần thực hành nên sau 3 tháng học nghề, lao động có thể cho ra sản phẩm. Người lao động rất phấn khởi, vì đây là cơ hội để họ có việc làm cải thiện thu nhập…", ông Trực cho hay.

         Cũng theo ông Trực, trong năm 2023, toàn huyện Thuận Bắc đã mở 15 lớp đào tạo nghề cho 379 lao động nông thôn, đạt 126% chỉ tiêu, chủ yếu là nghề may công nghiệp chiếm đến 355 học viên.

          Hỗ trợ vốn để người nghèo phát triển sản xuất chăn nuôi

          Không chỉ tập trung đào tạo nghề cung ứng nhân lực cho các nhà máy may mặc, huyện Thuận Bắc còn đẩy mạnh hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách để người dân phát triển sản xuất chăn nuôi. Đây cũng là kênh tạo việc làm tại chỗ,  giảm nghèo rất hiệu quả.

          Điển hình nhất là ở xã Phước Kháng, nơi có 90% đất tự nhiên là đồi núi và đất lâm nghiệp. Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho sản xuất hoa màu nên xã Phước Kháng đã tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi gia súc dưới tán rừng.

Ông Chamaléa Bé kết hợp chăn nuôi dê và sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Đức Cường

          Gia đình ông Chamaléa Bé ở thôn Suối Le, xã Phước Kháng có 1,5 ha đất rẫy canh tác mỗi năm 2 vụ màu. Được sự tuyên truyền, vận động từ chính quyền địa phương ông Bé vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách kết hợp sản xuất với chăn nuôi gia súc.

          Sau 5 năm cần cù, đến nay gia đình ông Bé đã có 10 con bò, 20 con dê và 15 con cừu. Trong chăn nuôi, ông chỉ giữ lại quy mô đàn phù hợp với khả năng chăm sóc và nguồn thức ăn. Số còn lại ông bán bớt để tạo thu nhập cho gia đình.

         "Nhờ kết hợp sản xuất với chăn nuôi mà gia đình mới có ngày hôm nay. Tiền bán bò, bán dê được dùng để xây nhà và cho con đi học. Kinh tế gia đình cũng khá hơn trước nhiều lần…", ông Bé vui giọng.

          Xác định được tiềm năng, lợi thế để khuyến khích, hỗ trợ mở rộng chăn nuôi đã giúp nhiều hộ gia đình ổn định cuộc sống. Đến nay, tổng đàn gia súc của huyện Thuận Bắc gần 46 ngàn con. Trong đó, đàn trâu, bò chiếm trên 22 ngàn con phần còn lại là đàn dê, cừu. 

Đàn cừu nuôi thả tại đồng cỏ huyện Thuận Bắc. Ảnh: Đức Cường

          Ông Katơr Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc cho biết, không chỉ chăn nuôi bò, những năm gần đây nông dân xã Phước Kháng còn phát triển mạnh chăn nuôi dê, cừu. Những loại gia súc này có vốn đầu tư ban đầu thấp, kỹ thuật chăn nuôi đơn giản và  phù hợp với đồng bào ở địa phương. Đàn dê, cừu được chăn thả dưới tán rừng có nguồn thức ăn dồi dào, ít phát sinh dịch bệnh nên tăng trọng nhanh, hiệu quả kinh tế cao.

          "Nhiều căn nhà mới ở huyện Thuận Bắc được xây dựng khang trang là nhờ vào chăn nuôi gia súc có sừng. Hàng năm tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm 4 - 5%, riêng năm 2023 xã đã giảm được 9,78% tỉ lệ hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người được nâng lên hơn 20 triệu/người/năm…", ông Hiền thông tin thêm.

         Đẩy mạnh xuất khẩu lao động

Diện nạo nông thôn miền núi xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc ngày càng khang trang. Ảnh: Đức Cường

          Không chỉ tập trung đào tạo nghề, phát triển sản xuất để giải quyết việc làm tại chỗ. Huyện Thuận Bắc còn đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

          Đây là kênh giải quyết việc làm hiệu quả, giảm nghèo nhanh và bền vững nhất. Thực tế, từ năm 2016 đến nay địa phương này đã đưa 72 người đi làm việc ở nước ngoài. Số lao động này đã gửi về cho gia đình trên 24 tỷ đồng.

          Riêng trong năm 2023 có 9 lao động đi làm việc ở Ả Rập Xê Út. Hiện còn 34 lao động đang gia hạn thời gian làm việc.

         Theo ông Trần Minh Trực – Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thuận Bắc, địa phương thường xuyên liên kết với các công ty tư vấn xuất khẩu lao động với các địa phương.Trong đó phòng lao động là cơ quan trung gian để kết nối giữa các địa phương với các công ty tư vấn để chủ động tạo nguồn lao động có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài.

Đến nay, đời sống người dân ở huyện Thuận Bắc, đặc biệt là người dân tộc Raglai đang dần khởi sắc. Ảnh: Đức Cường

          Ông Trần Ngọc Bình – Phó chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho hay, kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tới của huyện Thuận Bắc được kỳ vọng phát triển theo công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng. Trong đó, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 77% mới tới nông nghiệp 11%, còn lại là xây dựng do đó huyện rất quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề.

          Trong năm 2023, huyện Thuận Bắc đã giới thiệu giải quyết việc làm cho 1.179 lao động, đạt 131% chỉ tiêu. Đến nay, toàn huyện có là 1.508 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,33%. Hộ cận nghèo còn 1.184 hộ, chiếm tỷ lệ 10,47%. So với năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm 5,25%.

          Cũng theo ông Bình, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề để phục vụ nhu cầu của các nhà máy, xí nghiệp cũng như phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

          "Đối với các lao động nông thôn còn lại huyện sẽ ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ để xuất khẩu lao động, cũng như tận dụng các nguồn vốn để hỗ trợ bò, dê, cừu, vật nuôi hay dụng cụ nông nghiệp để họ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập để thoát nghèo bền vững…", ông Bình cho hay.

          Huyện Thuận Bắc được thành lập theo Nghị định số 84/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ, trên cơ sở tách ra từ huyện Ninh Hải và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/10/2005.

            Huyện nằm về phía bắc của tỉnh Ninh Thuận, cách trung tâm Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 20 km.

          Huyện Thuận Bắc là cửa ngõ phía bắc của tỉnh Ninh Thuận, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Khánh Hoà – Bắc Ninh Thuận, có vị trí địa lý và hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, có đường Quốc lộ 1A chạy qua với chiều dài khoảng 20 km, đường sắt thống nhất Bắc – Nam chạy qua, ở gần vùng cảng biển Ba Ngòi, cảng Ninh Chữ và sân bay Quốc tế Cam Ranh; có điều kiện thuận lợi trong việc kết nối phát triển kinh tế - xã hội với các huyện, thành phố trong tỉnh và với các tỉnh trong vùng và cả nước.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giúp lao động nông thôn Ninh Thuận thoát nghèo(12/12/2023 9:55 SA)

UBND xã công hải triển khai và thực hiện giải ngân dự án chương trình mục tiêu quốc gia giảm...(03/11/2023 4:50 CH)

Huyện Thuận Bắc: Nhiều người có thu nhập thấp được hiện thực hóa giấc mơ an cư, lạc nghiệp(03/11/2023 2:17 CH)

Thuận Bắc: Triển khai kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023(07/09/2023 4:56 CH)

UBND XÃ PHỐI HỢP VỚI PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HUYỆN THUẬN BẮC TỔ CHỨC HỘI NGHỊ...(19/07/2023 4:38 CH)

20 người đang online
°