Việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác luôn được huyện Thuận Bắc xác định là một trong những giải pháp hiệu quả, có ý nghĩa lâu dài. Qua đó, đóng góp tích cực vào việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Trong 21 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Từ khi thành lập đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã chuyển tải các nguồn vốn tín dụng chính sách đến nay dư nợ đạt trên 446 tỷ đồng với 7.440 hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn còn dư nợ vay vốn tín dụng chính sách, thông qua NHCSXH đã giúp hàng nghìn hộ gia đình ở huyện Thuận Bắc được vay vốn tạo việc làm ổn định, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững. Có được kết quả trên, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù phù hợp với hệ thống chính trị trên địa bàn được huyện Thuận Bắc quan tâm, chú trọng. Điều này thể hiện ở chỗ, điểm giao dịch NHCSXH tại 06 xã có những bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính. Điều này vừa tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về tín dụng chính sách xã hội, giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa bảo đảm hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”.
Ông Bá Trung Hành – Phó Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. NHCSXH huyện Thuận Bắc được thành lập theo Quyết định số 36/QĐ-HĐQT của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH với nhiệm vụ thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Sự ra đời và đi vào hoạt động của NHCSXH đã đáp ứng được sự mong đợi và đón nhận của Nhân dân trong huyện, đặc biệt là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ khi đi vào hoạt động, NHCSXH luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và của tập thể Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện. Từ khi ra đời và đi vào hoạt động của NHCSXH huyện, tín dụng ưu đãi đã phủ kín tất cả các thôn trên toàn huyện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Vốn tín dụng ưu đãi đã tập trung hướng vào địa bàn vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với màng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã phủ kín toàn bộ các thôn trên địa bàn, cùng với 6 điểm giao dịch của NHCSXH được đặt tại 6 xã đã thể hiện rõ tinh thần hết lòng phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; đã tạo dựng được lòng tin của Nhân dân và cán bộ vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; là công cụ quan trọng của Đảng và Chính quyền trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm và an sinh xã hội, góp phần phát triển nguồn nhân lực, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
NHCSXH hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà là vì mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy có thể nói NHCSXH là một Ngân hàng đặc thù của Nhà nước, là công cụ của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước thông qua phương pháp sử dụng tín dụng để hỗ trợ tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng theo sự chỉ định của Chính phủ, của các cấp chính quyền vì mục tiêu kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của địa phương trong từng thời kỳ. Sự ra đời và hoạt động của NHCSXH nhằm tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước về một mối để hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mang lại hiệu quả tốt hơn. Qua trao đổi với Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thuận Bắc - Trần Công Long nhận định, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, giúp các đối tượng chính sách có điều kiện tự vươn lên, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đáng chú ý, với chức năng nhiệm vụ được giao, Phòng LĐTB&XH huyện luôn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện từ những ngày đầu thành lập để tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Sau 21 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH huyện Thuận Bắc đã không ngừng phát triển và mở rộng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc – Nguyễn Hùng, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện cho biết, vốn tín dụng chính sách xã hội trong 21 năm qua đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Góp phần tích cực và quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường của địa phương. Tín dụng chính sách ưu đãi cùng với các nguồn lực khác đã và đang góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Cải thiện một bước điều kiện sống và sản xuất ở các vùng, đặc biệt là vùng các xã đặc biệt khó khăn. Góp phần phát triển nguồn nhân lực của địa phương, tạo sự công bằng trong xã hội, cùng góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Thời gian tới, UBND huyện Thuận Bắc sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt quan tâm tập trung nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngân sách Huyện ủy thác qua NHCSXH huyện để triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.