Giúp lao động nông thôn Ninh Thuận thoát nghèo

Đăng ngày 12 - 12 - 2023
Lượt xem: 70
100%

Những năm qua, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số Raglai… Nhờ đó, nhiều người nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

 

     Qua 18 năm nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, nay, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm,... tại huyện Thuận Bắc được xây dựng khang trang. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện đang phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp của Ninh Thuận trong tương lai.

     Đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm

     Tháng 10/2005, huyện Thuận Bắc chính thức hoạt động trên cơ sở tách ra từ huyện Ninh Hải.

     Thuận Bắc có 6 xã với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 31.826ha; trong đó, có đến 93% tổng diện tích là khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, đất đai khô cằn, thiếu nước phục vụ cho sản xuất.

Hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc Raglai và Chăm, trong đó có 3 xã, gồm: Phước Kháng, Phước Chiến và Bắc Sơn thuộc diện đặc biệt khó khăn, là một trong ba huyện nghèo nhất tỉnh Ninh Thuận.

     Để phát triển đúng định hướng, huyện tăng cường đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm giảm dần lao động làm nông, nương, rẫy, tăng nguồn nhân lực lao động công nghiệp cho các dự án đầu tư trên địa bàn và khu công nghiệp Du Long, vừa bảo đảm cơ cấu lao động ngành công nghiệp, nông nghiệp, vừa giúp người dân có việc làm mới, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

     Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Thuận Bắc Trần Minh Trực cho biết, riêng năm 2023, huyện đã mở 15 lớp đào tạo nghề cho 379 lao động nông thôn, trong đó, có 355 học viên học nghề may công nghiệp. Sau khi được đào tạo, đã được tuyển dụng làm việc tại các xưởng may công nghiệp tại địa phương.

     Chị Patâu Axá Thị Taxi, dân tộc Raglai, ở thôn Suối Đá, xã Lợi Hải chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ biết làm nông, thu nhập thấp. Năm 2022, tôi học nghề may công nghiệp do huyện tổ chức, sau 3 tháng, tôi được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động ổn định tại khu công nghiệp Du Long, mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng, nay đời sống tốt hơn rất nhiều”.

     Nhiều lao động được tuyển dụng làm việc tại các xưởng may công nghiệp nằm trong khu công nghiệp Du Long, vừa gần nhà vừa có thu nhập ổn định hơn làm nông; được công ty hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, nên rất phấn khởi, luôn động viên nhau cố gắng vươn lên thoát nghèo.

     Cùng với đó, huyện Thuận Bắc còn liên kết các công ty tư vấn xuất khẩu lao động để đào tạo nguồn lao động có tay nghề cao để giới thiệu xuất khẩu lao động cho các doanh nghiệp ở ngoài nước.

     Từ năm 2016 đến nay, có 72 lao động làm việc ở ngoài nước, đã gửi tiền về cho gia đình hơn 24 tỷ đồng.

     Riêng năm 2023, có 9 lao động đi làm việc ở Saudi Arabia. Hiện còn 34 lao động đang gia hạn thời gian làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nước.

     Trong năm 2023, huyện Thuận Bắc đã giới thiệu giải quyết việc làm cho 1.179 lao động, đạt 131% chỉ tiêu đề ra; so sánh năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,25%; hộ cận nghèo còn 1.184 hộ, chiếm tỷ lệ 10,47%.

     Hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi

     Những năm qua, huyện Thuận Bắc luôn quan tâm hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất chăn nuôi.

     Điển hình, tại xã Phước Kháng có 90% đất tự nhiên là đồi núi, đất lâm nghiệp, không thuận lợi cho sản xuất hoa màu, xã tập trung nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi gia súc dưới tán rừng đem lại hiệu quả cao.

     Ông Chamaléa Bé ở thôn Suối Le, xã Phước Kháng có 1,5ha đất rẫy canh tác 2 vụ cây màu/năm. Năm 2019, ông Bé vay 50 triệu đồng đầu tư sản xuất và chăn nuôi gia súc. Nay, gia đình ông Bé đã có 10 con bò, 20 con dê, 15 con cừu.

     Hằng năm, ông Bé chủ động tuyển chọn từng lứa gia súc để bán, vừa giữ lại quy mô đàn phù hợp khả năng chăm sóc và nguồn thức ăn, thu nhập 100 triệu đồng/năm.

     Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Kháng Katơr Hiền cho biết, vốn đầu tư ban đầu để chăn nuôi dê, cừu thấp, việc chăm sóc phù hợp với bà con. Đàn dê, cừu được chăn thả dưới tán rừng có nguồn thức ăn dồi dào, ít phát sinh dịch bệnh nên tăng trọng nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao; thu nhập bình quân đầu người nâng lên hơn 20 triệu đồng/người/năm.

     Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở Phước Kháng giảm từ 4-5%/năm. Xã đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

     Đến nay, tổng đàn gia súc dê, bò, cừu tại huyện Thuận Bắc gần 46.000 con, trong đó, đàn trâu, bò chiếm hơn 22.000 con.

     Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thuận Bắc Trần Ngọc Bình cho biết, kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tới được kỳ vọng phát triển theo hướng công nghiệp chiếm tỷ trọng 77%, nông nghiệp chiếm 11%, còn lại là xây dựng, cho nên huyện rất quan tâm các chương trình đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề để phục vụ nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề cao cho các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở để góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

     Huyện sẽ ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ để xuất khẩu lao động, cũng như tận dụng các nguồn vốn để hỗ trợ chăn nuôi bò, dê, cừu, vật nuôi hay dụng cụ nông nghiệp để bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, hướng đến thoát nghèo bền vững.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giảm nghèo ở huyện Thuận Bắc của Ninh Thuận có kết quả đáng mừng nhờ nông dân có nghề, có việc làm(12/12/2023 9:27 SA)

UBND xã công hải triển khai và thực hiện giải ngân dự án chương trình mục tiêu quốc gia giảm...(03/11/2023 4:50 CH)

Huyện Thuận Bắc: Nhiều người có thu nhập thấp được hiện thực hóa giấc mơ an cư, lạc nghiệp(03/11/2023 2:17 CH)

Thuận Bắc: Triển khai kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023(07/09/2023 4:56 CH)

UBND XÃ PHỐI HỢP VỚI PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HUYỆN THUẬN BẮC TỔ CHỨC HỘI NGHỊ...(19/07/2023 4:38 CH)

25 người đang online
°